Mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tuân thủ đúng pháp luật và phù hợp biến động giá cả.
- Được đăng ngày Thứ ba, 03 Tháng 3 2020 20:25
(TCT - online) - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2 diễn ra ngày 3/3 khi trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh được căn cứ theo Luật 26/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 có hiệu lực thi hành vào 1/7/2013, tất cả các cơ quan và người dân đều phải tuân thủ. Theo đó, tại Luật 26/2012/QH13, Khoản 4, Điều 1 quy định như sau: “Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Do đó, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ đúng căn cứ pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và tính đến hết tháng 12/2019, CPI đã tăng 23%. Như vậy, theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật 26/2012 thì Bộ Tài chính dự thảo Nghị quyết và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định pháp luật trên cơ sở “mức điều chỉnh phải phù hợp với biến động giá cả áp dụng tại kỳ tính thuế tiếp theo”.
Trao đổi thêm về việc quản lý thuế với một số đối tượng như người nổi tiếng, ca sĩ, người kinh doanh qua mạng, cá nhân nổi tiếng trên YouTube, Facebook, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Luật Quản lý thuế sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020, trong đó đã có đầy đủ các điều khoản sửa đổi làm công cụ quản lý, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này. “Ngoài ra, đến nay cơ quan thuế đã, đang tiến hành quản lý, giám sát chặt chẽ việc kê khai thuế thông qua việc tăng cường thanh, kiểm tra. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm tuân thủ kê khai đầy đủ, trung thực của các đối tượng nộp thuế là ca sĩ, người kinh doanh qua mạng”, bà Mai nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Tiến Dũng
Tin mới
- Hoàn thành tích hợp 3 dịch vụ thuế vào Cổng dịch vụ công quốc gia - 13/03/2020 20:15
- Trên 93% DN nhỏ và siêu nhỏ được gia hạn 5 tháng nộp thuế GTGT và tiền thuê đất? - 12/03/2020 00:27
- DN bị ảnh hưởng Covid-19 được chậm nộp 5 tháng thuế GTGT, tiền thuê đất? - 10/03/2020 21:53
- Sắp tích hợp thêm 4 dịch vụ thuế vào Cổng dịch vụ công quốc gia - 10/03/2020 13:33
- Đề xuất gia hạn tiền thuế GTGT, TNCN và thuế đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 - 06/03/2020 19:20
Các tin khác
- 2 tháng: ngành thuế thu ngân sách nhà nước đạt 19,8% dự toán - 02/03/2020 22:45
- Tháng 2 ngành thuế thu thêm 79.500 tỷ đồng vào NSNN - 02/03/2020 19:07
- Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng - 28/02/2020 17:46
- Thủ tướng Chính phủ: “Tôi nhất trí với các đề xuất của Tổng cục Thuế về sắp xếp tinh gọn bộ máy” - 26/02/2020 21:24
- Hoàn thành trước 10 tháng, giảm 296 chi cục thuế sau sắp xếp, sáp nhập - 26/02/2020 09:54